“Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?”
Không chỉ Ông Vũ Đình Liên mới hỏi vậy. Tôi và hẳn nhiều người của nhiều thế hệ cũng hỏi như vậy. Đó là một cảm giác bâng khuâng! Những bâng khuâng ấy, những xao xác, những vui buồn, những rạn nứt trong tâm hồn, những rêu phong tình cảm, những đối ngộ hay cảm thán, những được mất. Và nhất là khi thời gian đã nhuốm màu hoài niệm của năm tháng đời tôi, thì câu chữ, vần điệu, hình ảnh, ngôn từ…giống như những mạch nguồn, những suối khe róc rách lao xao chảy rồi hội tụ lại thành một dòng xúc cảm mà bạn bè tôi thường gọi là thơ của Phạm Bá Nhơn.
Còn với tôi, thi ca mới thanh tao, thánh thiện và kỳ diệu làm sao! Tôi dựa vào thi ca để hít thở một bầu không khí hồn hậu, bao dung, độ lượng nhân từ. Trong đó có lời ru của mẹ, có ánh nhìn sâu thẳm của cha, có tiếng chim ca, có nhịp chèo khua nước, có sóng của dòng Thạch Hãn, có tâm linh của Cổ Thành Quảng Trị. Và có cả tiếng em, anh của người bạn đời đã cùng tôi năm tháng thăng trầm trong dòng sống.
Và tôi chạm vào thi ca để mà cảm nhận được nguồn cội. Thi ca đón nhận tôi như chiếc nôi tôi nằm thuở thơ ấu. Để rồi tôi chợt nhận ra tôi có một giấc ngủ bình an vô cùng trong vòng nôi thi ca ấy.
Vâng! Tôi – Phạm Bá Nhơn đang vịn vào thơ ca để đứng dậy trong một hành trình tha phương, mưu sinh nơi xa xứ.
Ai cũng có một tâm hồn và ai cũng có gì đó để yêu thương nhung nhớ, để dõi trông, để khắc khỏai bồn chồn. Tôi có một quê hương, một vùng quê nghèo khó, đó là Quảng Trị. Mảnh đất có thể nói là khắc khổ nhất nước. Hơn thế nữa, mảnh đất ấy lại mang đầy thương tích khi đi qua cuộc chiến tàn khốc của những năm tháng vẫn còn chưa xa. Tôi yêu thương mảnh đất quê ấy đến nghẹn lòng. Một tình yêu thương của người con dẫu biết rằng không làm sao có thể đền đáp được.
Cùng với hành trình sống, tiếng thơ cứ dội về trong tâm trí của tôi. Cùng với việc mưu sinh, tôi làm thơ. Thơ nâng đỡ cho tinh thần tôi. Thơ tạo nên một nguồn sống tâm linh mà cuộc sống ấy ngày càng cho tôi cảm nhận cái nhân bản trong đời thường. Và cứ thế tôi tồn tại…
Từ những vần thơ ấy, tôi cảm nhận được sự phong phú trong tâm hồn. Tôi tìm đến với những người anh, người chị, tìm đến với bè bạn để lắng nghe những làn điệu thơ ca và kinh nghiệm. Tôi có thêm bạn, thêm động lực để sáng tác, để có những vần thơ, sản phẩm tinh thần của tôi đã bắt đầu có được một quần thể bạn bè nhỏ nhoi ghi nhận. Có đôi người nhớ vài câu thơ của tôi khi nghe họ đọc lên, tôi lại thấy một thứ tình cảm quê hương dạt dào tuôn chảy.
Chính thơ đã làm cho hiện tại và những hoài niệm đan xen nhau. Quê hương và tuổi thơ, hiện tại và công việc mưu sinh cứ quyện vào nhau trong một đời sống thường nhật. Thơ đã thổi qua tôi một âm hưởng nhân văn kỳ lạ. Tôi nghe văng vẳng yêu thương vỗ về và cả tiếng tơ lòng ngọt bùi đắng cay được mất.
Tôi có quê nghèo khó ấy và có tất cả của ngày hôm nay. Có ai đó nói rằng: “Bạn là người vô cùng hạnh phúc khi bạn có một quê nhà”. Tôi thấm thía điều ấy và nhủ thầm rằng với tôi “ngày mai trả lại”
Ngày mai trả lại cho đời
Lời ru của mẹ một thời ấu thơ
Trả về lại cõi hoang sơ
Ngôi nhà mái lá bên bờ tre xanh
Ngày mai trả lại em, anh
Một dòng cảm xúc hóa thành thi ca.
Có người hỏi rằng sao anh lại làm những vần thơ như vậy! Sao lại lại “Ngày mai trả lại”? Có sớm quá chăng khi viết nên những ý nghĩ ấy! Anh không sợ “Sái thơ” sao?
Có gì đâu mà sợ khi bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều chịu quy luật “Sinh, lão, bệnh, tử”. Có đáng sợ chăng là một ngày nào đó tâm hồn sẽ không còn rung động, không còn khắc khoải khi trên bầu trời những áng mây trắng cứ lững lơ bay. Mây bay từ thời thơ ấu tới cõi vô tận mịt mờ. Với tôi, một trời tưởng tượng cũng khởi đầu từ những áng mây trắng xuất xứ từ dạo còn thơ ấu ấy. Cho nên dù khốn cùng cũng như khi “Trời thương hóa kiếp tôi thành chủ nhân”. Để rồi trong sâu thẳm những áng mây trời vẫn ngự trị trong tôi và theo mây cùng với thơ cho tôi về trả lại.
Ngày mai trả lại ngày kia
Một thời áo trắng xa lìa tuổi thơ
Trả về với những buổi chiều
Chuyến xe Thành Cổ nhan biều qua nhanh
Dính chân đất đỏ Khe Sanh
Đường về Cam Lộ xanh xanh vườn chè
Gió Lào thổi cháy hàng tre
Những trưa Cửa Việt ngồi nghe sóng gào.
Và mỗi khi xong một bài thơ, tôi thường tự nhủ lòng như tôi đang trả lại bớt dần những món nợ trong đời. Cũng cứ thế từng đêm với bao cảm xúc dâng trào, tôi ghi lại những xao xuyến ấy để có được thêm một “ NGÀY MAI TRẢ LẠI” với chính lòng mình.
Chân thành cảm ơn các bạn đã dành thời gian ghé thăm trang thơ của Phạm Bá Nhơn, nơi ghi lại và chia sẻ những cảm xúc dâng trào của người con xa xứ. Mến chúc các bạn có một ngày vui!
Phạm Bá Nhơn