Khung Trời Mây Trắng Sâu Nặng Nghĩa Tình

::Xem 192::

  • Nhà văn TRIU XUÂN (Trích trong tập thơ Khung Trời Mây Trắng – NXB Văn Học.)

Trong tập thơ Khung trời mây trắng, hình ảnh làng quê nghèo hiện lên sinh động, với số phận những người ruột thịt thân thương như cha, mẹ, anh em, cả những bè bạn thuở thiếu thời và người bạn gái mến thương đầu đời. Có vẻ như Phạm Bá Nhơn không phải làm thơ mà chính tự đáy long anh thốt ra những câu chữ, mới đọc thấy giản dị, nhưng càng ngẫm càng thấy rung động.

…”Thổi rát hồn ta ngọn gió Lào
Tình quê trong nỗi nhớ xôn xao
Tháng mười, Trời nỡ hành con lụt
Khoai sắn giêng hai một thuở nào
Thơ ấu những lần ta đứng trông
Mẹ về lúc chợ mới vừa đông
Mùi hương bánh cốm bay qua gió
Ngào ngạt hương quê sợi khói đồng
Ta lớn lên trong mùa chiến chinh
Đạn cày bom xới thuở điêu linh
Thương người ngã xuống trên quê mẹ
Để có ngày vui giữa thái bình”
(Thương quê).

Giản dị như thể khoai sắn giêng hai, nhưng tình cảm hầu như dồn nén trong từng câu chữ để rồi thăng hoa cùng với mùi hương bánh cốm, cùng sợi khói đồng ngào ngạt hương quê. Tác giả in tập thơ này sau khi đã trải qua hàng chục năm tha hương mưu sinh, lập nghiệp. Anh đã lao động cật lực, vượt lên vô vàn thử thách khắc nghiệt của cuộc sống. Từ trong gian khổ, trong cảnh tha hương, lòng người vẫn đau đáu hướng về quê cha, đất tổ. Mảng thơ viết về quê hương, cha mẹ, người thân trong tập này đậm đặc nhất và bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ nhất.

…”Mẹ là mái lá bờ tre
Mẹ là nguồn cội
…Bởi thương con mẹ chỉ biết hy sinh
Tưới mồ hôi lên đất khổ quê mình”
(Mẹ).

Đây là hình ảnh người cha giữa ngày hè nắng lửa lên rừng đốt than:

…”Thân gầy quen chịu cảnh gian nan
Bước chân phiêu bạt chiều nghiêng bóng
Mơ ước đời con hết cơ hàn”
(Cha).

Tác giả xót xa, day dứt, ân hận không báo đáp được công dưỡng dục sinh thành của cha mẹ. Trong cuộc sống, có không ít người, đôi khi vì đam mê quá đà mà quên cả lối về! Có biết bao nhiêu người đàn ông chung một tâm trạng này. Khi cha mẹ không còn nữa, niềm ao ước lớn nhất, cháy bỏng nhất là được chăm sóc, báo hiếu mẹ cha: nhưng vô vọng, không cách nào thực hiện nổi!

…”Tôi muốn chiều nay có mẹ về
Để lòng khơi dậy những say mê
Mẹ là tất cả là biển rộng”
(Tôi muốn)

Ôi cái ước muốn giản dị: chiều nay có mẹ về, nhưng đời nào có được nữa!

Những bài thơ về tình yêu của Phạm Bá Nhơn thật dịu hiền, trong lành nhưng ẩn chứa tấm lòng thương nhớ sâu nặng và rất lãng mạng. Năm tháng đã qua đi, cuộc đời dâu bể thay đổi không lường, vậy mà cái dấu chân của nàng thì vẫn nguyên vẹn trên con đường làng xưa, nguyên vẹn trong ký ức:

“Em đi để lại con đường cũ
Những dấu chân in một thuở đầu”
(Dấu Chân).

Thời nông nổi ấy, vì quá vụng về nên mất nhau. Một chiều hồi hương, ta dạo bước trên con đường xưa từng sánh đôi, tìm lại dấu chân xưa mà thấy “Rưng rức trong lòng bao đớn đau!” (Dấu chân). Người ta bảo những người có tình yêu mãnh liệt là những người giàu niềm tin và hy vọng. Phạm Bá Nhơn thể hiện niềm nhung nhớ, đợi chờ và hy vọng không bao giờ tắt:

…”Những mai như muối xát trong lòng
Những chiều nắng xế thêm quay quắt
Gió thổi lá vàng chao bên sông
Từng đêm thức giấc nghe sương rụng
…Ngày mai chưa hết niềm hy vọng
Dẫu vẫn lênh đênh mãi giữa dòng
(Tiếng lòng).

Giữa dòng đời cạm bẩy và hiểm nguy, ta vẫn hy vọng vào tình yêu và hạnh phúc. Những người như thế, không nhiều…..

Vượt qua biết bao thử thách gian nan, Phạm Bá Nhơn đã tới được cái đích của người tha hương lập nghiệp. Anh trở thành người đi xây dựng những con đường lớn rộng thênh thang, mở ra những vùng kinh tế phát triển của đất nước. Phạm Bá Nhơn viết về những miền đất và con người nơi anh đang xây dựng thật hiện thực và giàu nhân ái.

“Đường ven biển, con đường thân quen lắm
Nắng mưa sương bụi lấm tấm lưng trần
Người lái máy lót lòng mo cơm nắm…
Đường đã mở, chuyến xe từ muôn hướng
Chờ ước mơ vui lướt giữa con đường
Ngọn gió mát sau từng hồi gió chướng
Tiếng em cười vang vọng dưới rừng dương”
(Con đường mới mở).

Gần một trăm bài trong tập Khung Trời Mây Trắng là tình cảm tự đáy lòng, thơ bật ra theo bản năng. Chính vì thế không tránh khỏi một số câu thơ, đoạn thơ còn thô, vụng, chưa có sự chắt lọc, tỉa tót hình ảnh, giai điệu và ngôn từ. Tuy nhiên, bởi thốt ra tự đáy lòng cho nên thơ Phạm Bá Nhơn mang nguồn cảm hứng chân thành và mãnh liệt, sâu nặng nghĩa tình, nhờ thế mà rung động người đọc. Tập thơ ra đời được một năm, đã có hơn hai chục bài được phổ nhạc và biểu diễn, phát trên sóng các đài Truyền hình Trung ương, địa phương. Gần đây nhất, Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh phát sóng chương trình văn nghệ 60 phút về tác giả và tập thơ Khung trời mây trắng. Đó là sự cổ vũ của bạn đọc, là niềm vui của Phạm Bá Nhơn.

Hy vọng Phạm Bá Nhơn viết khỏe hơn và thành cộng hơn ở tập thơ sau!

 Thành phố Hồ Chí Minh, tháng Tư năm 2009
Triệu Xuân

This entry was posted in Bài Viết Cảm Nhận. Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *