Thi Sĩ Doanh Nhân

::Xem 573::

  • Quỳnh Giang
    (Theo báo Doanh Nhân & Pháp Luật số 126 ra ngày 5/8/2013)

“Thi sĩ doanh nhân” là biệt danh mà bạn bè đặt cho ông Phạm Bá Nhơn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm. Mặc dù bận rộn với việc điều hành quản lý một công ty xây dựng tầm cỡ ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng ông vẫn làm thơ đều đều và đến nay đã xuất bản được 2 tập thơ, đã có gần 50 bài thơ của ông được các nhạc sĩ có tên tuổi như Nguyễn Tất Tùng, Bảo Phúc, Giao Tiên, Vũ Hoàng, Nguyễn Phú Yên, Châu Kỳ, Kiều Tấn, Thiên Toàn, Vĩnh Trí, Võ Công Diên… phổ thành ca khúc, được đài truyền hình và nhiều ca sĩ sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bước vào con đường thơ ca như một cuộc dạo chơi với chính mình, dù vậy Phạm Bá Nhơn vẫn nghiêm túc như một người làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Bị chìm trong guồng quay đến chóng mặt của công việc kinh doanh xây dựng, ông vẫn tỉnh táo để cố thu xếp cho mình những phút giây nhàn rỗi hiếm hoi. Những đêm khuya “khi tỉnh mộng lúc tàn canh”, những lúc dong duổi trên đường thiên lý hoặc trên tầng cao của mây trời, để thả hồn vào mảnh vườn thơ tĩnh lặng của riêng mình. Ông tâm niệm thơ chính là cuộc sống mà ông đã trải nghiệm trên hành trình sống và trên bước đường lập nghiệp. Thơ ông chân chất mộc mạc giản dị vô cùng, thường là những hoài niệm về một thời đã qua. Đọc tập thơ KHUNG TRỜI MÂY TRẮNG gồm 100 bài thơ của ông do NXB Văn học xuất bản năm 2007, có thể nhận ra thơ của Phạm Bá Nhơn không cầu kỳ, uốn éo câu chữ mà tinh túy, đơn sơ mà hồn hậu như con người ông.

“Tôi muốn vòng quanh những luỹ tre
Đong đưa nhịp võng giữa trưa hè
Lắng nghe tha thiết lời ru mẹ
Ngọt giọng ca dao mấy điệu vè”
(Tôi muốn)

DaodienLeCungBac - Copy
PBN với đạo diễn người đồng hương Lê Cung Bắc.

Thật đáng quý biết bao, thật trân trọng biết bao khi đã trở thành một doanh nhân có tên tuổi ông vẫn còn tha thiết với củ sắn, củ khoai để nuôi nấng con người khôn lớn, chẳng khác nào sự nâng niu, lời tạ ơn quá khứ, tạ ơn quê hương và đó chính là nhân cách làm người. Nhưng không phải chỉ có củ sắn, củ khoai mà còn nhiều điều khác nữa… đã trở thành hơi thở, thành máu thịt của ông:

“Là đường qua rú qua truông
Là trái sim, trái móc
Ngọt lịm tuổi thơ mấy khúc ca dao
Là mặt nước lung linh con cá móng giữa rào
Là những trưa hè não nùng tiếng Cuốc!”
(Nhớ về Hải Lăng)

Nhà thơ Võ Văn Hoa từ Quảng Trị nhận xét: “Đọc KHUNG TRỜI MÂY TRẮNG của Phạm Bá Nhơn tôi thấy anh chưa hề đi xa, anh vẫn còn ở lại quê nhà với chúng tôi, vẫn còn nguyên khung trời tuổi thơ hồn nhiên và đầy ắp tình đời!”

Năm 2011, Phạm Bá Nhơn cho ra đời tiếp tập thơ thứ hai mang tên NGUỒN CỘI (NXB Văn học). Đó chính là những nổi niềm của nhà doanh nghiệp quê gốc Quảng Trị về quê hương của mình. Trong bài thơ “Hẹn Về Quảng Trị” đã được nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng phổ nhạc có những câu:

“Quảng Trị ơi quê hương và nguồn cội
Mới vừa xa mà lòng nhớ khôn vơi
Làm sao quên những chiều nơi xóm nhỏ
Ngày ra đi xao xuyến mãi trong đời”…

Nguồn cội là đất mẹ, là tổ ấm, là bến nước sân ga. Cánh chim rời tổ, con đò tách bến và con tàu lăn bánh khỏi sân ga, tất cả ra đi rồi cũng sẽ quay về. Tổ ấm dù có xơ xác nghèo nàn, bến nước dù có đìu hiu quạnh quẻ, sân ga dù điêu tàn vắng vẻ nhưng vẫn luôn bao dung và đón nhận. Chỉ sợ trên bước đường phiêu bồng, bã phù danh làm tâm người thay đổi không còn nhớ đến gốc rễ của đời mình. Đọc những bài thơ trong tập thơ “Nguồn Cội” của doanh nhân thi sĩ Phạm Bá Nhơn, có thể nhận thấy một điều: dù ông đang ở chân trời gốc bể nào, nguồn cội vẩn luôn ở trong tâm ông. Đó chính là nỗi lòng rất thật qua những câu thơ bởi vì thơ là sự thăng hoa của nội tâm qua cảm xúc. Trong bài thơ “Nguyện Cùng Non Nước” có bốn câu:

“Ta ra đi để có ngày về lại
Với quê hương xa ngái vẫn đang chờ
Thuở cất bước mang theo lời nguyện ước
Câu thề xưa ấp ủ mãi trong mơ”.

Và trong bài “Tôi Về Quê Tôi” cũng có những câu làm xao xuyến người đọc:

“Về cùng bến nước dòng sông
Lũy tre nương cát lúa đồng mênh mông
Ra đi thỏa chí tang bồng
Vẫn không quên được một vùng đất quê”.

PBN
PBN và các bạn thơ.

 

Là một doanh nhân thành đạt nặng nợ với quê hương, Phạm Bá Nhơn tâm sự: “Tôi đang vịn vào thơ ca để đứng dậy trong một hành trình tha phương, mưu sinh nơi xa xứ. Ai cũng có một tâm hồn và ai cũng có gì đó để yêu thương nhung nhớ, để dõi trông, để khắc khỏai bồn chồn. Tôi có một quê hương, một vùng quê nghèo khó, đó là Quảng Trị. Mảnh đất có thể nói là khắc khổ nhất nước. Hơn thế nữa, mnh đất ấy lại mang đầy thương tích khi đi qua cuộc chiến tàn khốc của những năm tháng vẫn còn chưa xa. Tôi yêu thương mãnh đất quê ấy đến nghẹn lòng. Một tình yêu thương của người con dẫu biết rằng không làm sao có thể đền đáp được”.

 

Đã có một số bài thơ của Phạm Bá Nhơn đã được các nhạc sĩ phổ nhạc, như Chiếc Lá Bên Đường (NS Võ Công Diên); Mẹ Tôi (NS Nguyễn Phú Yên); Ngày Xa Huế (NS Nguyễn Tất Tùng), Hẹn Về Quảng Trị (Nguyễn Tất Tùng); Đôi Bàn Tay Mẹ (NS Châu Kỳ); Ngày Mai Em Lấy Chồng (NS Bảo Phúc); Cảm Nhận (NS Giao Tiên); Cô y (NS Quốc Dũng); Hà Nội Trong Tôi (NS Kiều Tấn); Tiếng Đàn (NS Thiên Toàn); Vạt Nắng Lòng Em (NS Trần Kiên), v.v…. Nhạc đã làm cho thơ của doanh nhân thi sĩ Phạm Bá Nhơn bay bổng hơn, được nhiều người biết hơn.

Cùng với hành trình sống, tiếng thơ cứ dội về trong tâm trí của ông. Cùng với công việc bộn bề của một doanh nhân, ông làm thơ. Thơ nâng đỡ cho tinh thần ông. Thơ tạo nên một nguồn sống tâm linh mà cuộc sống ấy ngày càng cho ông cảm nhận cái nhân bản trong đời thường.

“Chính thơ đã làm cho hiện tại và những hoài niệm đan xen nhau. Quê hương và tuổi thơ, hiện tại và công việc mưu sinh cứ quyện vào nhau trong một đời sống thường nhật. Thơ đã thổi qua tôi một âm hưởng nhân văn kỳ lạ. Tôi nghe văng vẳng yêu thương vỗ về và cả tiếng tơ lòng ngọt bùi đắng cay được mất. Và mỗi khi xong một bài thơ, tôi thừơng tự nhủ với lòng như tôi đang trả lại bớt dần những món nợ trong đời”- doanh nhân thi sĩ Phạm Bá Nhơn chia sẻ.

Quỳnh Giang.

  • Qua tập thơ “ Khung Trời Mây Trắng” và  “Nguồn Cội” tôi bắt gặp một Phạm <NhaVanTuKeTuongNhơn vẫn sâu nặng trong cõi lòng mình hình bóng người mẹ, người cha. Dù đường đời luôn gập ghềnh, khúc khuỷu, chông gai và đến khi đã thành đạt, hình ảnh ấy vẫn luôn hiện diện, như là chỗ dựa tinh thần để anh vươn lên. Còn khi đã trưởng thành, được sự nghiệp thì là nơi để anh nhớ về, đó là “nguồn cội”. Phạm Bá Nhơn làm thơ không phải chỉ để làm thơ, hay chỉ là một nhà thơ, mà anh còn là một người con có hiếu, anh mượn thơ và qua thơ để nói về mẹ, về cha bằng những hình ảnh thật phong phú trong thơ và đáng trân trọng.              
    (Nhà văn Từ Kế Tường)

This entry was posted in Bài Viết Cảm Nhận. Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *